Học Tiếng Việt online- Gia đình
learn and practice Vietnammese online- Family
Trang : Mẹ ơi! Ngày mai ăn cưới chị Kim ạ?
Bà Ly : Không, nhà bác Thoại mới làm lễ ăn hỏi cho chị ấy thôi.
Trang : Ăn hỏi tức là hai gia đình làm quen phải không ạ?
Bà Ly : Không phải đâu. Hai gia đình làm quen gọi là dạm ngõ. Dạm ngõ phải làm trước lễ ăn hỏi.
Trang : Rắc rối quá, mẹ nhỉ!
Bà Ly : Ngày xưa ông bà con lấy nhau còn rắc rối hơn nhiều. Trước khi ăn hỏi, phải làm lễ vấn danh để hỏi ngày, giờ sinh của cô dâu. Rồi nhờ người xem tuổi ấy có hợp với chú rể không. Nếu hợp thì mới đến ăn hỏi vì làm lễ ăn hỏi tức là hai gia đình đã nhận dâu, nhận rể.
Trang : Con hiểu rồi. Ăn hỏi là đến xin cưới cô dâu, đúng không ạ?
Bà Ly : Đúng đấy, con ạ.
Trang : Lễ ăn hỏi có vui không mẹ?
Bà Ly : Vui lắm. Nhà trai có cả một đoàn người mang trầu cau, chè, bánh… đến nhà gái. Số lễ vật này đựng trên mâm hoặc trong trap gỗ tròn phủ lụa đỏ, rất vui mắt. Lễ vật ăn hỏi được nhà gái trả lại một ít cho nhà trai, còn lại đem biếu họ hàng để báo tin con gái sắp lấy chồng.
Trang : Thú vị quá, mẹ nhỉ? Thế đám cưới có to không?
Bà Ly : Đám cưới ở Việt Nam rất đông người dự. Có đám cưới cả làng đến dự vui lắm. Đám cưới cũng giống như một ngày hội ấy mà. Con sẽ gặp tất cả họ hàng trong đám cưới chị Kim đấy.
Trang : Mẹ ơi, thế bao giờ đám cưới chị Kim ạ?
Bà Ly : Bá Thoại bảo gần một tháng nữa.
Trang : Sao lâu thế ạ?
Bà Ly : Phải chọn ngày đẹp chứ con!
Trang : Thế nào là ngày đẹp ạ?
Bà Ly : Theo các cụ, tháng có ngày đẹp, ngày xấu. Chọn được ngày, giờ phù hợp thì cô dâu chú rể mới sống hạnh phúc.
Trang : Thích nhỉ! Lần đầu con được dự đám cưới Việt Nam đấy. Con sẽ mặc chiếc áo dài lụa tơ tằm mẹ mới mua cho con nhé.
Bà Ly : Có lẽ con nên mặc chiếc váy đầm vì chị Kim sẽ mời con làm phù dâu. Ở Việt Nam mình bây giờ cũng có nhiều đám cưới chọn các cô phù dâu là trẻ con. Con sẽ là cô phù dâu rất đáng yêu đấy.
Luyện Đọc - Reading Drill
SỰ TÍCH TRẦU CAU
Ngày xưa, một nhà nọ có hai người con trai là Tân và Lang. Hai anh em giống nhau như đúc, đến nỗi người nhà cũng có khi nhầm.
Tân và Lang lớn lên thì cha mẹ lần lượt qua đời. Vài năm sau, Tân lấy vợ. Từ ngày lấy vợ, Tân không còn quan tâm được đến em như trước. Nhiều lúc, Lang cảm thấy cô đơn.
Một hôm, hai anh em cùng lên nương, đến tối mới về. Lang về trước, chàng vừa bước chân vào nhà thì vợ Tân ôm chầm lấy. Lang kêu lên. Vừa lúc đó, Tân cũng bước vào. Sự nhầm lẫn làm cả ba người cùng thẹn. Thậm chí, Tân còn ghen với em trai mình.
Lang giận anh, bỏ nhà ra đi. Đi luôn mấy ngày đường, chàng tới bờ một con sông lớn. Xung quanh không một bóng thuyền. Lang vừa đói, vừa mệt, vừa buồn. Chàng ngồi trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, rồi hóa thành một tảng đá.
Thấy em mãi không về, Tân hốt hoảng đi tìm. Chàng đến bờ con sông kia thấy em đã hóa đá. Chàng hối hận vô cùng, ôm lấy hòn đá, khóc mãi cho đến lúc hóa thành một cái cây.
Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng vội đi tìm.
Cuối cùng, con sông nọ cũng ngăn bước chân nàng. Nàng ngồi lại bên gốc cây, khóc hết nước mắt. Sau đó, nàng hóa thành một cây leo quấn quanh thân cây kia.
Ba người mất tích khiến cả làng lo lắng. Bà con làng xóm chia nhau đi tìm. Thấy tảng đá và hai cây lạ bên nhau, họ hiểu ra mọi chuyện, chỉ còn biết xót thương ba người trẻ tuổi.
Một lần, vua Hùng đi qua. Nghe câu chuyện, vua bèn cho người hái quả xuống nếm thử. Vị chát không có gì lạ. Nhưng khi nhai quả với lá cây leo, vua thấy một vị vừa ngòn ngọt, vừa thơm cay. Điều kì lạ nhất là khi nhai lẫn với một chút bột đá thì thấy người nóng như có hơi men, nước miếng nhổ ra có màu đỏ tươi như máu. Ai cũng bảo đây là sự kì diệu của tình vợ chồng, anh em.
Vua Hùng rất vừa ý, truyền cho dân trồng hai loài cây quý. Từ đó, nước ta có tục ăn trầu. Ngày cưới, thế nào cũng phải có cơi trầu để nhắc đôi vợ chồng luôn vun đắp cho tình cảm gia đình hòa hợp.
TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM (NGUYỄN ĐỔNG CHI kể)