- “Phải đầu tư có trọng điểm, phải gắn với nâng cao chất lượng để khuyến khích các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng. Không nên phân tầng, phân loại các trường theo hướng cố định…”. Đây là một trong những giải pháp giúp cho nền giáo dục Việt Nam phát triển trong khi kinh phí nhà nước không đáp ứng đủ cho sự nghiệp giáo dục.
Cái “tầm” của nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực được nâng cao, có chất lượng là kết quả phản ánh một nền giáo dục phát triển, đó còn là điều kiện để xây dựng con người mới đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong diễn đàn: “Một số chủ trương và biện pháp góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” vừa được tổ chức, những chuyên gia cho hay, bất cứ một nước nào cũng hiểu rằng nguồn nhân lực là yếu tố rất lớn cho sự phát triển của một quốc gia.
Tuy nhiên, điều đó ở Việt Nam chưa thật sự rõ ràng trong nhận thức về nguồn nhân lực và tiêu chuẩn vụ thể của người lao động. Nếu thiếu những dữ liệu này, sự đánh giá giáo dục và đào tạo chắc chắn sẽ phân tán và thiếu chính xác, các giải pháp cũng khó đưa đến hiệu quả thiết thực.
|
GS. Nguyễn Minh Thuyết. |
Thực tế cho thấy, mỗi xã hội có đặc điểm riêng, có yêu cầu riêng về nhân lực và xây dựng cho mình một hệ thống giáo dục và đào tạo thích hợp với những chuẩn mực riêng đó. Nhưng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì những chuẩn mực riêng, những chuẩn mực thích hợp với xã hội tương lai chúng ta đang thiếu.
“Để làm được công việc to lớn này, trước hết, các cơ quan hoạch định chính sách cần nêu được những dự báo tương đối cụ thể và sát thực về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta ở từng giai đoạn lớn trong tương lai; dự báo về nhu cầu nhân lực của các ngành, các địa phương; phân loại nhân lực và xác định tiêu chuẩn của từng loại nhân lực...
Trên cơ sở những dự báo này, ngành giáo dục và đào tạo sẽ xác định trình độ chuẩn cho mỗi bậc học, cấp học của mình. Không có chuẩn giáo dục và đào tạo thì nâng cao chất lượng dễ trở thành một công việc không có đích và không có thước đo để đánh giá. Nhưng không có dự báo của cơ quan hoạch định chính sách, chuẩn giáo dục và đào tạo rất dễ vu vơ”. GS. Thuyết khẳng định.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng nêu một thực trạng về nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay bằng câu nói đầy hình ảnh: “Một nước có 90 triệu dân với dân số vàng, trong đó có trên 20 triệu thanh niên thông minh, hiếu học, đầy khát vọng vậy mà ngay cái lưỡi dao cạo cũng không làm được và cho đến nay chưa làm được bất kỳ 1 mg chất kháng sinh hay 1 mg vitamin nào (!)”.
Khâu yếu nhất của nền giáo dục Việt Nam
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong Nghị quyết đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua, điều còn làm ông băn khoăn Nghị quyết chưa chú ý nhiều đến đại học và dạy nghề. Trong 3 lần cải cách giáo dục, trong đó có đợt đổi mới sách giáo khoa và chương trình vào năm 2000 thì đều tập trung vào bậc phổ thông, chưa động đến đại học và dạy nghề, như vậy là không đúng.
“Thực ra giáo dục phổ thông tuy đặt nền tảng cho sự phát triển của người học, nhưng chưa phải là khâu quyết định. Đại học và dạy nghề mới là nơi quyết định chất lượng “sản phẩm” của giáo dục và đang là những khâu yếu nhất của nền giáo dục Việt Nam. Nếu chúng ta cứ loay hoay mãi ở giáo dục phổ thông thì sẽ chậm trễ trong việc rút ngắn khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới”. GS. Thuyết lưu ý.
Thêm nữa, GS. Thuyết đề cập, trong Nghị quyết đổi mới giáo dục lần này có đề cập coi đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có đổi mới cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt, và đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá.
“Tôi thấy các giải pháp then chốt nhiều quá, nhiều then thì khó mở. Theo tôi, chỉ nên tập trung vào một giải pháp then chốt là “người thầy” và chỉ nên xác định một khâu đột phá là đổi mới phương thức giáo dục mà yêu cầu quan trọng nhất là gắn học với hành, gắn nhà trường với xã hội”. GS. Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.
“Ông nghị” phản biện một thời của Quốc hội cũng cho hay, lâu nay cả xã hội chỉ chăm chú vào chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Bộ GD&ĐT cũng đang tập trung vào chương trình và sách giáo khoa, chưa có một đề án cải cách sư phạm nào. Nhưng không có thầy giỏi thì chương trình, sách giáo khoa hay đến mấy cũng không phát huy được tác dụng.
“Chương trình hiện hành cũng có rất nhiều tư tưởng mới, nhưng không thể thực hiện được bởi thầy “cổ quá” cứ dạy theo thói quen mà không chịu tiếp thu cái mới. Bao lần cải cách giáo dục phổ thông, các trường sư phạm - máy cái đào tạo giáo viên cứ lẽo đẽo theo sau và giáo viên đào tạo ra không theo kịp chương trình, phương pháp dạy học mới.
Lần này, các trường sư phạm cần đổi mới chương trình, chú trọng nhiều đến phương pháp dạy học và thực hành. Muốn tăng cường thực hành, trường sư phạm phải gắn bó với trường phổ thông để sinh viên tham gia các công việc hằng ngày như một người giáo viên. Ít nhất cũng phải được như sự gắn bó giữa trường y với bệnh viện, thì mới đào tạo ra người thầy “cầm lái” được “con tàu lớp học”. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Chính sách giáo viên phải thay đổi
Với nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này đóng vai trò chủ yếu, và theo đó chính sách với giáo viên không còn cách nào khác là phải thay đổi. Trong Nghị quyết đổi mới giáo dục vừa qua cũng đã xác định tầm quan trọng của nhà giáo, và có đặt vấn đề: “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm các phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
“Việc bồi dưỡng giáo viên sẽ phải làm kỹ hơn, thường xuyên hơn. Đặc biệt, phải làm sao để tư duy giáo dục mới, phương pháp dạy học mới thấm sâu vào từng giáo viên”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết.
Góp ý cho lần thực hiện đổi mới này, GS. Nguyễn Minh Thuyết nói thực trạng, hệ thống lương của chúng ta bị xô lệch nhiều quá. Ví dụ, không kể lương của lực lượng vũ trang, ngay lương của cán bộ Đảng cũng đã được nâng lên, gấp 1,6 lần lương bình thường; một số ngành như hải quan, bảo hiểm xã hội đều có thêm thu nhập từ 2% tiền thu được từ khách hàng.
“Với mức lương như hiện nay, giáo viên làm sao đảm bảo chất lượng dạy học được? Còn đối với phụ cấp thu hút giáo viên phục vụ ở vùng khó khăn, cũng nên bổ sung cho đối tượng giáo viên là người địa phương để động viên họ yên tâm công tác ở quê nhà” GS. Thuyết đặt câu hỏi.
Để từ chủ trương, chính sách, nhiệm vụ trong Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đi vào cuộc sống, chắc chắn còn nhiều gian nan. GS. Thuyết đưa ra một số điều kiện để thực hiện việc này: Thứ nhất, với ngân sách được chi tới 20% cho giáo dục, nhưng trong phân bổ ngân sách, giáo dục và đào tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non tới đại học, dạy nghề mà còn bao gồm toàn bộ công tác đào tạo cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang từ cơ sở trở lên.
Trong 20% ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học chỉ được khoảng 10%, THCS và THPT cũng trong ngưỡng mức ấy, chỉ Tiểu học được nhiều hơn. Nhưng tới 80 - 90% tiền cho giáo dục phải chi cho lương; tỷ lệ chi cho nghiệp vụ rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học cũng phải có những thay đổi cơ bản. Trường lớp còn xập xệ, lớp học còn “nhồi nhét” đến 50 - 60 học sinh thì khó có thể đổi mới thành công.
“Theo tôi, phải đầu tư có trọng điểm, phải gắn với nâng cao chất lượng để khuyến khích các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng. Không nên phân tầng, phân loại các trường theo hướng cố định danh sách những trường luôn được hưởng ưu đãi, những trường luôn ở tốp dưới”.
Thứ hai, để khắc phục chuyện ít tiền thì phải huy động đóng góp của người học và của các tổ chức, cá nhân khác, đó là xã hội hóa, nhưng đây chỉ được coi là một nội dung của xã hội hóa. Ngoài nội dung này, xã hội hóa còn có nghĩa là tạo điều kiện để xã hội quản lý giáo dục và hưởng thụ thành quả giáo dục.
“Hiện nay xã hội hóa giáo dục ở nước ta mới thực hiện được nội dung đầu tiên. Giáo dục vẫn là một hệ thống khép kín, hội đồng nhân dân địa phương gần như không can thiệp được vào. Cộng đồng dân cư không giám sát được nhà trường dạy cái gì, dạy như thế nào, giáo dục con em mình ra sao. Về nội dung hưởng thụ thành quả giáo dục, người ta đi học tại chức nhiều, nhưng để chạy theo bằng cấp, chứ chưa phải học suốt đời phục vụ cho công việc của mình” GS. Thuyết nêu thực trạng.
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng tiếp lời: “Việc chấn hưng giáo dục không thể chậm trễ hơn nữa. Điều quan trọng không phải là sách giáo khoa mà là Chương trình chuẩn quốc gia cho từng môn học".
GS.TS Mike Horsley - Chủ tịch Hiệp hội SGK thế giới: “Đừng lấy giáo viên tập huấn cho giáo viên, vì giáo viên càng nhiều kinh nghiệm tính bảo thủ càng lớn, nếu họ tập huấn cho giáo viên khác thì dễ "truyền nhiễm" bệnh bảo thủ”.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chào mừng bạn đến với
Sáng kiến kinh nghiệm hay.Nếu bạn thấy nguồn sưu tập này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè lên Facebook, google ... Trân trọng cám ơn