Khi nào nên thực hiện?
Nhiều địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 và các năm tiếp theo với việc có bài thi tổ hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nghệ An công bố môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, áp dụng từ năm học 2018 - 2019 gồm: Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp), Giáo dục công dân và Sinh học. Như vậy, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh phải làm ba bài thi là Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp. Bài thi Toán, Ngữ văn thi tự luận; bài thi tổ hợp thi trắc nghiệm gồm 50 câu (Ngoại ngữ 20 câu, Giáo dục công dân 15 câu, Sinh học 15 câu). Hà Nội cũng đã chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 được duy trì ổn định là thi tuyển kết hợp xét tuyển; từ năm học 2019 - 2020, sẽ được thực hiện chủ yếu là thi tuyển. Theo kế hoạch, Sở GD và ĐT Hà Nội sẽ tổ chức ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp: tổ hợp một (Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp hai (Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Các bài thi Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 9 bảo đảm bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Đáng chú ý, mặc dù đã gần sát kỳ thi, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết định lựa chọn bài thi tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay từ năm học 2018 - 2019. Theo đó, trong kỳ thi diễn ra vào tháng 6 tới, bên cạnh hai bài thi Toán, Ngữ văn, thí sinh sẽ làm thêm bài thi tổ hợp (gồm các môn: tiếng Anh, Lịch sử, Sinh học). Quyết định này đã gây ra nhiều lo lắng đối với học sinh, phụ huynh và các trường. Sau khi phương án được công bố, đại diện một số trường học, phụ huynh, học sinh ở tỉnh Vĩnh Phúc đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về thời điểm thực hiện và tính hiệu quả của phương án thi mới. Học sinh Đào Đình Đức, lớp 9, Trường THCS Yên Lạc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) nêu băn khoăn: “Việc tổ chức bài thi tổ hợp có thể kiểm tra được kiến thức toàn diện, nhưng thực tế chúng em chưa có sự chuẩn bị, vẫn quen với cách học, cách thi như trước đây”. Đức cùng các bạn đã quen và đang ôn tập ba môn là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, trong khi đó, việc học, ôn tập hai môn Sinh học và Lịch sử chưa được chú trọng. Ngoài ra, nhà trường cũng chưa tổ chức thi thử cho nên em cùng các bạn khá lo lắng không biết khi thi thật kết quả sẽ ra sao? Chị Bùi Thị Nhung, phụ huynh học sinh Trường THCS Yên Lạc cho rằng, thời điểm quyết định phương án thi quá gấp gáp trong khi thời điểm thi chỉ còn hai tháng, học sinh còn bỡ ngỡ, cho nên cần thực hiện có lộ trình, bài bản.
Có thể khẳng định, phương án thi tổ hợp như ở tỉnh Vĩnh Phúc là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự đổi mới của toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên, thời điểm công bố phương án mới sát thời gian thi đã gây lo lắng trong học sinh, phụ huynh và các trường do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tại tỉnh Nghệ An, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Diễn Châu Ngô Quang Long nêu quan điểm: Triển khai bài thi tổ hợp là một chủ trương đúng, tránh tình trạng “thi gì học nấy”, bảo đảm giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, cần cân nhắc, không nên tổ hợp quá nhiều môn trong một bài thi, sẽ gây áp lực cho học sinh, giáo viên.
Khắc phục tình trạng học tủ, học lệch
Bài thi tổ hợp với mục tiêu từng bước tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới, đó là tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, ba môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này bảo đảm tính công bằng, khách quan đối với học sinh. Thực tế cho thấy, việc tổ chức bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm đã đạt được kết quả bước đầu trong kỳ thi THPT quốc gia. Do vậy, để triển khai hiệu quả tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các địa phương cần có sự chuẩn bị về điều kiện dạy học, kiểm tra, đánh giá, từng bước giúp học sinh làm quen, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, cách thi, xét tuyển theo phương thức hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, khó đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới về phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất và các kỹ năng mềm cho học sinh. Cho nên, cần thiết phải đổi mới hình thức thi vào lớp 10 theo phương án đã được công bố. Trong khi đó, theo lý giải của Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Trần Trung Long, phương án thi mới tuy có tạo ra sự thay đổi, nhưng sẽ giúp các trường THPT tuyển chọn được chính xác học sinh có năng lực, tạo sự khách quan, công bằng cũng như giúp các trường định hướng công tác dạy học theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT. Để khắc phục những lo lắng, băn khoăn của phụ huynh, học sinh và các trường, Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc đã có hướng dẫn về hình thức, cấu trúc, đề thi minh họa của bài thi tổ hợp. Theo đó, bài thi tổ hợp gồm 50 câu (20 câu tiếng Anh, 15 câu Sinh học, 15 câu Lịch sử).
Hà Nội là địa phương hằng năm có số lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 với áp lực, cạnh tranh rất lớn. Do vậy, việc sớm công bố phương án tổ chức bài thi tổ hợp sẽ giúp học sinh làm quen, các trường chuẩn bị tốt các điều kiện giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005-2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế, đã tạo nên hiện tượng học sinh học lệch các môn vì kỳ thi chỉ có hai môn Toán và Ngữ văn. Mặt khác, trong phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá này phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên và có sự khác nhau giữa các nhà trường. Việc thi thêm bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới.
Chung quanh một số băn khoăn trong tổ chức bài thi tổ hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Từ năm 2010, Bộ có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc này đã được vận dụng vào các kỳ thi, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia. Việc thực hiện bài thi tổ hợp chưa phải là thay đổi về nội dung kiến thức, mà chỉ thay đổi về hình thức bài thi, cho nên học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức theo yêu cầu của chương trình sẽ làm tốt các bài thi tổ hợp. Tổ chức thi vào lớp 10 nhằm mục đích chính là đánh giá năng lực học sinh. Trong cấp học THCS, học sinh phải học toàn diện các môn để chuẩn bị cho việc học ở cấp THPT. Đó cũng là cơ sở để học sinh lựa chọn hướng học trong chương trình THPT. Vì vậy, việc một số địa phương thi tuyển thêm bài thi tổ hợp vào lớp 10 không mâu thuẫn với xu hướng phân hóa ở THPT.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment