loading...
Hướng dẫn mua bán Bitcoin ==> Bấm vào đây
Mua gì cũng được giảm giá, hoàn tiền ==> Bấm vào đây
Xem điểm chuẩn
Mua gì cũng được giảm giá, hoàn tiền ==> Bấm vào đây
- Những tưởng “mưa” điểm 10, cùng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao “chót vót” khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy phấn khích. Tuy nhiên, chứng kiến cuộc cạnh tranh 27-30 điểm cũng bị trượt đại học khiến nhiều phụ huynh, học sinh đang chuẩn bị vào lớp 12 năm nay cảm thấy “hoang mang” chưa biết năm sau chuyện thi cử, vào đại học ra sao?
Thi cử dễ dàng cũng đáng lo
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vừa qua, dư luận xã hội cũng đánh giá cao khâu tổ chức khi các điểm thi trên cả nước được bố trí hợp lý, thí sinh dự thi gần nhà mà không phải đi xa như trước. Đề thi tương đối dễ khiến các thí sinh cũng phấn khởi vì hoàn thành kỳ thi một cách khá dễ dàng. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở một số địa phương cũng rất cao, như của Hà Nội đạt 99,36%, tương đương 60.559 thí sinh đỗ tốt nghiệp. Nam Định, số học sinh dự thi là 18.024, trong đó 99,53% đỗ tốt nghiệp. Phú Thọ, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 99,1% cao hơn so với năm ngoái...
Kỳ thi cũng được chứng kiến “mưa” điểm 10 ở các môn thi, đáng chú ý ngay cả các môn mọi năm thưa thớt điểm 10 như: Ngữ Văn, Toán, Lịch sử thì năm nay những môn thi này điểm 10 lại nở rộ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, phổ điểm của kỳ thi cũng rất “đẹp”, phục vụ cho công tác tuyển sinh vào ĐH, CĐ với nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Có thể thấy, chưa năm nào lại nhiều cơ hội vào đại học như năm nay khi mà điểm sàn chỉ là 15,5 điểm, hầu hết các thí sinh đều có cơ hội tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, chứng kiến cuộc đua khốc liệt vào một số ngành “hot”, trường ĐH “top trên” nhiều thí sinh đạt từ 27 đến 30 điểm còn bị trượt, khiến nhiều phụ huynh có con năm nay học lớp 12 vô cùng lo lắng bởi những bất cập của kỳ thi THPT, xét tuyển vào đại học từ năm nay. Phụ huynh Nguyễn Thu Hà (ở khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội) lo lắng bởi những bất cập của đề thi dễ, chính sách cộng điểm chưa hợp lý và việc các thí sinh tự “bơi” trong mỗi trường đại học lại có một quy định, tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Chị Thu Hà chia sẻ: “Tôi cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được tổ chức giảm áp lực về đi lại cho phụ huynh là rất tốt, tôi hết sức đồng tình vì đỡ cảnh thi đại học như xưa, các cháu ở địa phương rất vất vả. Thế nhưng, đề thi dễ quá, cháu nào cũng đỗ tốt nghiệp với điểm cao, mở ra cơ hội vào đại học. Đây không chỉ là thuận lợi mà còn là bất lợi khi đề thi không có tính phân loại, có quá nhiều điểm 9-10 khiến điểm chuẩn một số trường cao kỷ lục. Chính sách cộng điểm cũng khá bất cập, việc học sinh được cộng tới 3,5 thậm chí là 6,5 điểm nếu tính ra bằng cả mấy chục câu trắc nghiệm như vậy là bất hợp lý. Nếu không có biện pháp, năm sau dù điểm cao tôi cũng chỉ cho con vào trường trung bình cho đỡ bức xúc”.
Lo con thành “chuột bạch”
Không chỉ lo ngại về những điểm bất cập của thi cử năm nay, nhiều phụ huynh còn cho rằng tính ổn định trong thi cử, xét tuyển vào ĐH, CĐ hàng năm đều được thay đổi “chóng mặt”, khiến không chỉ học sinh mà các trường THPT cũng phải “oằn mình” vừa học vừa phải theo dõi, cập nhật xem thi cử sắp tới có gì điều chỉnh, thay đổi hay không? Bởi trong những năm gần đây, các kỳ thi được gộp lại, điều chỉnh liên tục về quy chế, môn thi và phương thức thi cử.
Có con năm nay vào lớp 12, phụ huynh Nguyễn Văn Hoàn (ở Khu đô thị Mỹ Đình I, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy chưa năm nào giữ ổn định trong thi cử cả. Từ lúc Bộ GD&ĐT tổ chức thi ĐH, CĐ chung, cho tới gộp hai kỳ thi làm 1 để trở thành kỳ thi THPT Quốc gia như năm nay. Nói thật, tôi quá mệt mỏi về cách thay đổi liên tục trong thi cử đến xét tuyển. Không biết, năm tới còn gì thay đổi nữa không? Bộ nên công bố sớm để chúng tôi còn biết để lo tổ chức ôn tập cho con cũng như nghiên cứu kỹ các trường để đăng ký ứng tuyển vào”.
Đối với học sinh lớp 12 năm nay, có lẽ thời gian qua chứng kiến các anh chị “hóa thân như tắc kè” để ôn tập theo cấu trúc đề thi, môn thi đổi mới rồi vất vả trong xét tuyển vào đại học khiến không ít học sinh nhụt chí. Tiến Khôi – học sinh lớp 12 năm nay ở Hà Nội chia sẻ: “Em vẫn đang định hướng ôn tập để đáp ứng cấu trúc đề, phương thức thi trắc nghiệm như năm rồi. Nhưng không biết năm tới thi cử ra sao, có còn giữ kỳ thi THPT Quốc gia nữa hay không? Các trường ĐH, CĐ có phát sinh ra những tiêu chí phụ, hay tổ chức thi riêng không?... Còn một năm nữa, nhưng nghĩ đến đã thấy mệt mỏi rồi”.
Đồng cảm với những suy nghĩ, lo lắng của các bậc phụ huynh, học sinh, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhận xét: “Phụ huynh, học sinh lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Những năm qua, hầu như năm nào Bộ GD&ĐT cũng nói rằng kỳ thi hay kỳ tuyển sinh diễn ra nghiêm túc, ổn định… Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng có sự thay đổi, dự đoán năm tới tôi cho rằng sẽ tiếp tục có sự thay đổi lớn nào đó. Theo tôi, nên giữ kỳ thi, còn cách làm ra sao thì phải chống được “bệnh thành tích” và đảm bảo chất lượng phục vụ cho tuyển sinh đại học”.
Sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công đã khẳng định đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được. Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.
Quang Anh
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment