Soidiemchontruong

->Xem điểm chuẩn lớp 10 => Bấm -> Kiếm tiền online, mua bán BITCOIN => Bấm

loading...

Dù ai đi ngược về xuôi


Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba




Khắp miền truyền mãi câu ca




Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.



Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Nội dung chính




1.Giỗ tổ Hùng Vương – ngày quốc lễ trong tâm thức người Việt

2.Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Dải đất linh thiêng mang hồn sông núi

3.Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2007: Đền Hùng hướng tới tương lai




Giỗ tổ Hùng Vương – ngày quốc lễ trong tâm thức người Việt




Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam còn may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Ngày này cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển.

Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gởi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng.

Thông qua ngày giỗ Tổ, Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: “Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”.

Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc (Ẩm hà tư nguyên – Uống nước nhớ nguồn). 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú tham gia rước kiệu lễ dâng Tổ. Từ ngàn xưa, trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới” . “Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)… Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm”. ( Trích Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng-NXB Hội nhà văn) 

Những năm hội chính thì phần lễ gồm: Tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng trong tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ… và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo – hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong.


Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn” nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946 – sau khi Chính phủ mới được thành lập – là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.

Kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên – một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận. “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam… Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.



Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Dải đất linh thiêng mang hồn sông núi




Theo đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, ngược quốc lộ số 2 khoảng 20 cây số, nhìn phía trước thấy một quần thể núi lô nhô có hình đàn voi chắn ngang tầm mắt. Xung quanh núi Nghĩa lĩnh với gần một trăm ngọn núi hình con voi, dân ta vẫn gọi là núi Voi, thật hùng dũng, xếp sắp thật trật tự, đầu cùng quay về phía Đông Nam. Lạ thay, trong đàn voi ấy lại có chú quay đầu ngược lại! Theo truyền thuyết con voi này bị ghép vào tội “phản đàn”, “bất nghĩa”. Truyền thuyết về con voi bất nghĩa đã được khai thác trong tiến trình bảo vệ nước ta trước các thế lực ngoại xâm. Con voi bất nghĩa chính là kẻ phản bội, đã bị chém đầu. Dấu vết của sự trừng phạt ấy người đời bảo giờ vẫn còn đấy. Những vết đất lở mầu tím như máu ở cổ con voi kèm theo dòng nước lờ lờ rỉ ra từ đấy vẫn là bức tranh cảnh báo cho những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội lợi ích chung của dân tộc.

Những người theo thuyết phong thủy xưa kia lại có những tư duy, tưởng tượng lạ kỳ. Họ cho rằng nùi Hùng (nơi có mộ Tổ Hùng Vương) là đầu một con rồng đang bay về phía Nam, mình rồng uốn thành một dãy các khúc uốn (con voi), trong đó có núi Vặn ở sát sau lưng, nơi hiện nay đang xây dựng đền thờ vọng Tổ mẫu Âu Cơ; phía bên phải (Hy Sơn – Tiên Kiên) với dải đồi thấp xòe ra như “con phượng cặp thư” và phía bên trái vùng đồi (Khang Phụ) y như một con hổ nằm (hổ phục); cạnh đó dãy đồi An Thái hiện ra một hình “võ sĩ bắn cung”.

Tất cả những bức tranh ấy là kiệt tác kỳ thú của thiên nhiên trên một vùng đất đá cổ nhất nước ta, kiến tạo cách chúng ta gần 2 tỷ năm về trước.

Kết quả nghiên cứu địa chất trong những năm gần đây cho thấy dải núi con Voi hình thành trên một cấu trúc gọi là “nêm kiến tạo”. Phần nổi của cái nêm này từ Việt Trì kéo dài về phía Tây Bắc chứa nhiều khoáng sản có giá trị; phần chìm của nêm kiến tạo nằm dưới đồng bằng Bắc bộ trở thành móng cho các tích tụ than, dầu khí với tiềm năng lớn.

Cha ông ta ngay từ khi dựng nước (thời Vua Hùng) và các triều đại sau đó tiếp tục cải tạo, trùng tu, xây dựng mới khu mộ Tổ ở dải núi con Voi phải chăng muốn giữ mãi và muốn gửi một thông điệp cho các thế hệ tương lai về một vùng đất cổ giàu có, đầy tiềm năng khoáng sản của Tổ quốc.

Sự trùng hợp giữa dải đá giàu khoáng sản và khu mộ Tổ dù chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cái ngẫu nhiên đó lại hợp với cái nhìn phong thủy của cha ông chúng ta hết đời này sang đời khác.hi h

Những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực địa chất học cho thấy phần dải đất con Voi, trên đó có mộ Tổ Hùng Vương còn là một trong những mảnh nền vỡ ra từ một siêu đại lục cổ (pangea), cùng với châu Phi, Ấn Độ… trôi về phía Bắc cho đến lúc va chạm với lục địa Âu Á tạo nên dãy núi Anpơ – Hymalaya vĩ đại mà phần kéo dài về phía đông của nó chính là dãy núi con Voi – “nêm kiến tạo sông Hồng”.

Trên nền đất siêu cổ ấy, mộ Tổ Hùng Vương thật vững trãi, chí ít cũng hàng ngàn năm nay chưa xảy ra động đất ở khu vực này.

Đặt mộ Tổ ở nơi bền vững như vậy thật là bất ngờ, vì những kiến thức hiện đại trong địa chất học về phá vỡ các siêu lục thành các mảng và sự va chạm giữa các mảng mới có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là sự bất ngờ, ngẫu nhiên hay các cụ chúng ta ngày xưa đã có những phương pháp độc đáo nào để hiểu được những điều đó, để đưa mộ Tổ về mảnh đất bền vững nhất, về nơi mộ không thể “bị động”, điều mà cha ông ta rất kiêng kỵ. Các cụ ngày xưa, chẳng cứ từ thời Vua Hùng, mà cả các triều đại sau đó, liên tục bổ sung, xây dựng mới, làm cho khu mộ trở thành Khu di tích lịch sử có tầm quan trọng tâm linh bậc nhất ở nước ta. Phải chăng các cụ xa xưa cũng am hiểu về cấu trúc địa chất khu vực theo một phương pháp riêng nào đó mà chúng ta chưa biết tới.

Mộ Tổ Hùng Vương đặt ở miền đất ổn định, bền vững trên một dải đất nổi cũng như chìm rất giàu khoáng sản, toàn những loại quý hiếm, giá trị kinh tế cao; nơi địa hình đã tạo ra một đàn voi bao quanh như bảo vệ vua Hùng hoặc ngôi mộ của Người, mãi mãi là dải đất thiêng yêu quí của cả dân tộc ta. Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù sa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống ổn định canh định cư,  vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc sung đột bộ lạc.

Tương truyền Vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.

  Đền Hạ và Chùa                               

 - Đền Hạ:

Có vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, được làm hai lớp theo kiểu chữ nhị. Tương truyền nơi đây, sau khi kết hôn Lạc Long Quân đã đưa Âu Cơ từ độc Lăng Xương(Thanh Thủy), về đến núi Nghĩa Lĩnh, Âu cơ ở lại sinh ra một bọc trăm trứng , sau nở thành một trăm người con trai. Khi các con khôn lớn , Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ chia các con đi mở mang bờ cõi . 50 người con theo cha đi xuôi về phía biển, 49 người con theo mẹ lên ngược vùng núi, người con cả ở lại nối ngôi cha truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Cộng đồng người Việt hình thành, hai tiếng đồng bào (cùng bọc) vì thế mà có.

 - Gác chuông và chùa Thiên Quang Thiền Tự (nơi có ánh sáng của mặt trời rọi xuống): Xây dựng vào thời kỳ nhà Lê (từ 1427-1573) kiến trúc chủ yếu là cột gỗ có đá kê và lợp ngói.

     Đền Trung(Hùng Vương Tổ Miếu)

Đền Trung xuất hiện sớm nhất trên núi Hùng. Kiến trúc buổi đầu thời nhà trần( thế kỷ XIV).

Vào thế kỷ XV (thời Lê) bị giặc phía bắc tàn phá. Dân sở tại sau chiến tranh đã xây dựng một ngôi đền khá lớn, có thớt đá kê cột gỗ, mái lợp ngói. Cách ngày nay khoảng 300 năm, Đền Trung được xây dựng lạih kiểu chữ nhất, tồn tại đến bây giờ. Tương truyền nơi đây các vua Hùng thường họp bàn việc nước, hay nỗi khi đi săn qua khu vực này thường đốt lửa nướng thịt chia đều cho mọi người trong cuộc săn. Vào thời Hùng Vương thứ 6 , sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phía Bắc tràn xuống, Vua Hùng Vương thứ 6 muốn chọn con kế vị, người đã cho gọi 18 người con về núi Nghĩa Lĩnh, mở cuộc thi làm cỗ, để tìm người con nào có lòng kính hiếu cha mẹ, yêu trọng non nước sẽ nhường ngôi cho. Lang Liêu là người con út, thươngdân yêu lao động, hiếu thảo và sáng tạo làm hai thứ bánh tượng trưng cho trời và đất (đó là bánh dày và bánh trưng) dâng cha.

  Đền Thượng (Kính thiên Lĩnh Điện)

Được xây vào thế kỷ XV.Trong dịp đại trùng tu từ năm 1914-1922, triều đình phong kiến Việt Nam xuất tiền và cử quan về giám sát việc xây dựng lại đền Thượng(năm Khải Định nhị niên – Tức Khải Định năm thứ 2).Người đời sau thường truyền lại rằng:

Thời Hùng Vương, Vua Hùng cùng các quan tướng thường đến đỉnh cao Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi thức  cầu cúng tế trời đất,mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để muôn dân ấm no hạnh phúc. Vì thế mà Đền Thượng  bây giờ vẫn gọi là “Kính thiên Lĩnh Điện” (tức điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh).

Truyền thuyết còn kể lại rằng tại đỉnh cao này, Hùng Vương thứ 6 sau cuộc kháng chiến chống giặc Ân thắng lợi, cảm kích vị anh hùng có công đánh giặc Ân cứu nước đã lập miếu thờ Thánh Gióng trên đỉnh núi.           

 Lăng Tổ (Hùng Vương Lăng)         

Đền Giếng:

Kiến trúc có vào khoảng thế kỷ XVIII.Đền Giếng nằm dưới chân núi Hùng gồm ba lớp nhà và hai nhà ở hai bên.Tương truyền khi đi theo cha đi kinh lý qua vùng này, hai nàng Tiên Dung – Ngọc Hoa con gái của Vua Hùng Vương thứ 18 thường đến đây soi gương chải tóc. Hai nàng đã công cùng chồng khẩn hoang, trị thủy, dạy dân trồng lúa xây dựng cuộc sống. Được xây dựng vào thời gian nao không ai nhớ rõ. Xưa có thể là mộ đất có mái che, sau tới năm 1874 được xây dựng kiểu dáng như ngày nay.

 Đền Quốc Mẫu Âu Cơ – ngôi đền thế kỷ

Đền Âu Cơ nguyên thủy được xây dựng từ thời Hậu Lê tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) tuy không đồ sộ nhưng khá nổi tiếng. Giá trị lớn nhất là sự gắn kết với những truyền thuyết lịch sử của thời đầu dựng nước.

Để qui tụ các giá trị văn hóa tinh thần thuộc thời đại Hùng Vương về hội tụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, từ giữa tháng 9/2001 công trình đền Quốc Mẫu Âu Cơ chính thức được khởi công xây dựng mới tại núi Vặn trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, Phù Ninh) và đến ngày 31/12/2004 đã hoàn thành cả nội và ngoại thất với tổng giá trị đầu tư 25 tỷ đồng.

Trải qua một quá trình tìm hiểu nghiên cứu kỹ địa thế, cuối cùng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng đã chọn đỉnh núi Vặn (có độ cao 147m so với mực nước biển, đứng thứ nhì trong quần thể núi Hùng) làm nơi an tự. Núi Vặn có phong cảnh sơn thủy hữu tình, có hồ Lạc Long Quân bao quanh ôm ấp.

Đến thăm ngôi đền bạn có thể cảm nhận được sự vĩ đại và bề thế của công trình giữa cảnh núi non hùng vĩ, trùng điệp.

Chỉ riêng phần đường bậc lên, xuống cũng đã khá kỳ công. Đường bậc được xây dựng trên một vách núi cao, dốc thẳng với trên 500 bậc đá làm bằng chất liệu đá Hải Lựu (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), đá Trị Quận (Phù Ninh).

Tam quan xây cao 5,8m có 3 lối vào. Lối chính cao 2,2m, 2 lối phụ hai bên cao 1,2m. Khung cột, sườn mái làm bằng bê tông cốt thép. Mái cổng lợp dán ngói mũi hài. Các đao góc, các hoạ tiết chạm khắc trên đá và mái cổng Tam quan mô phỏng hình chim lạc.

Qua cổng Tam Quan lên tới bậc đá thứ 500 bắt đầu bước vào cổng tứ trụ gồm 2 trụ chính cao 6,5m, 2trụ phụ hai bên cao 5,2m. Cột trụ làm bằng bê tông cốt thép, xung quanh đắp gờ chỉ tạo hoa văn, đắp trát các con giống thời kỳ Hùng Vương. 4 cột trụ vút thẳng trời cao biểu thị sự giao hoà giữa thiên nhiên và trời đất.

Tiếp đến là hai trụ biểu cao 14 – 15m được ốp bằng đá phiến xanh từ vùng Thanh Hoá, Ninh Bình mang ra, dày 20 – 30cm được chạm khắc các hoạ tiết, con giống phổ thông theo hình chim Lạc - được coi là hai trụ biểu độc đáo nhất cả nước.

Sau trụ biểu là hai nhà bia xây dựng trên diện tích 66 m2. Kiến trúc mang tính chất đền chùa: mặt bằng hình vuông, mái chồng diêm, khung cột sườn mái làm bằng gỗ lim, nền lát gạch bát, xung quanh ốp đá xanh Thanh Hoá, đá Hải Lựu và bố trí các con lân con ly bằng đá.

Bia và trụ bia làm bằng đá một mặt khắc chữ nôm, mặt kia khắc chữ quốc ngữ ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào cả nước.

Qua nhà bia bước vào khu đền chính nằm trên diện tích gần 500 m2. Khu đền chính gồm đền thờ chính và 2 nhà tả vu, hữu vu nằm hai bên.

Đền chính đặt theo hướng Tây Nam, kiến trúc xây dựng kiểu mái chồng diêm, mặt hình chữ Đinh; khung cột sườn mái vách đố lụa bao che làm bằng gỗ lim tuyển chọn từ vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Mái lợp ngói mũi hài âm dương, nền lát gạch bát, sân và lan can bao quanh ốp đá xanh Thanh Hoá. Riêng thành lan can được chạm khắc các hoạ tiết hình chim Lạc và các hoạt động văn hoá dân gian thời kỳ Đông Sơn.

Nội thất trong đền gồm tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn. Các nhang án, đại tự, câu đối, bệ đặt trống đồng, giá treo chuông, treo chiêng, cựa vọng, y môn… được sơn son thiếp vàng trên chất liệu gỗ quí.

Hai bên tả vu là hai bức phù điêu khắc hoạ cảnh 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi bằng chất liệu gò đồng. Hai nhà tả vu, hữu vu đặt hai bên trái và phải đền chính cũng làm bằng chất liệu gỗ lim, lợp ngói mũi hài âm dương dùng làm nơi đặt đồ cúng lễ.

Trong khu đền chính còn có hệ thống sân vườn tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên xanh – sạch – đẹp. Do nằm trên núi cao có độ chênh cốt lớn nên hệ thống sân vườn được xây dựng khá kỳ công. Xung quanh đền chính được xây kè bằng 3 lớp, lớp trong cùng là tường chắn bằng bê tông cốt thép, lớp giữa xây bằng đá hộc, lớp ngoài ốp bằng đá ong lấy từ vùng làng cổ Sơn Vi, Thanh Đình (Lâm Thao, Phú Thọ).

Trong sân trồng các giống cây đặc trưng ở đình chùa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam như cây đại cổ thụ, cây cau, cây si, cây ngọc lan… Từ trên đền chính trong những ngày nắng đẹp ta có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ khung cảnh Khu công nghiệp Bãi Bằng, supe, thành phố Việt Trì, xa xa là 3 dải sông Hồng, sông Lô, sông Đà uốn lượn như những con rồng nhỏ ôm ấp chân núi mẹ.

Diện mạo một ngôi đền thế kỷ đang hiện rõ với một kiến trúc đẹp, một hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh, một hệ thống chống sét tiên tiến nhất hiện nay với sự góp công, góp sức của những người thợ, những nghệ nhân tên tuổi.

Đền Mẫu Âu Cơ đã đạt được ý nguyện quy tụ các giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương bảo đảm phục vụ du khách trong nước và quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.

 Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng đổi mới và phát triển 

Trải qua thời gian, cùng bao thăng trầm của lịch sử, Đền Hùng đã bị giặc giã, thiên tai tàn phá, nhưng nhân dân ta từ đời này sang đời khác vẫn giữ gìn, tôn tạo xây dựng để làm nơi thờ Đức Quốc Tổ. Vẫn còn đó cổ kính, uy linh các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và Lăng mộ Vua Hùng… Đó là những di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào về cội nguồn dân tộc mà mỗi người dân mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều thấu hiểu hai tiếng “đồng bào” đầy ý nghĩa.

Sử sách, văn bia tại Đền Hùng vẫn còn ghi lại dấu ấn lịch sử qua các lần trùng tu, tôn tạo Khu di tích Đền Hùng dưới các triều đại phong kiến trước đây từ các thời Đinh – Lê – Lý – Trần – đến thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Điều đó cho thấy rõ sự quan tâm của mọi thời đại đến khu di tích đặc biệt này của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần đến thăm Đền Hùng. Lần thứ nhất sau chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dù đang bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành tình cảm, thời gian và sự quan tâm đến việc giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc. Ngày 19-9-1954 Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, với lời căn dặn của Người:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Lần thứ 2 Bác đến thăm Đền Hùng ngày 19-8-1962 Người căn dặn “Phải trồng thêm nhiều hoa cây cảnh, để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử quốc gia”.

Thực hiện lời dạy của Người, nửa thế kỷ đã trôi qua cùng với sự thay đổi của đất nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh. Ngay từ năm 1962, Bộ Văn hóa thông tin đã xếp hạng Đền Hùng là khu di tích đặc biệt của quốc gia. Năm 1967, Chính phủ đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng.

Ngày 8-2-1994 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất. Đây là cơ sở cho việc đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình trong khu di tích như: Bảo tàng Hùng Vương; nhà công quán, hệ thống đường, điện, nước, đường giao thông, sửa chữa trùng tu, tôn tạo các đền chùa, cải tạo hồ nước, trồng bổ sung rừng cây bản địa. Phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương, về sự kiện Chủ tịch Hồ  Chí Minh thăm Đền Hùng.

Ngày 6-1-2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch đã chính thức trở thành ngày quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng dân tộc khắp mọi miền.

Sự lớn mạnh không ngừng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng được thể hiện sâu sắc và rõ nét hơn, qua hàng loạt công trình kiến trúc văn hóa đầu tư xây dựng, nhất là từ sau khi được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 84/2004/QĐ-TTg ngày 30-3-2004 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015, với tổng kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay, nhiều hạng mục đã và đang được triển khai, với những công trình kiến trúc mới được xây dựng trong Khu di tích như: Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ; giếng cổ Chùa Thiên Quang; cổng Đền Hùng biểu tượng “vuông – tròn” tượng trưng cho trời đất – vũ trụ; hệ thống kết cấu hạ tầng: Điện, nước, giao thông các bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường, hệ thống dịch vụ, đã và đang được hoàn thiện.

Tại khu di tích Đền Hùng nhiều công trình tiếp tục được xây dựng như: Đền thờ Lạc Long Quân tại khu vực Đồi Sim, đường hành lễ tại trung tâm lễ hội, trụ sở làm việc và nhà tiếp đón khách của khu di tích, đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Tiếp đến là công trình xây dựng tháp tưởng niệm các Vua Hùng, làng văn hóa khu du lịch thời đại Hùng Vương.

Với sự phát triển và qui mô ngày càng lớn của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý tương xứng. Ngày 23-2-2005, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 525/2005/QĐ-UB về việc nâng cấp Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng thuộc Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ thành Khu di tích lịch sử Đền Hùng trực thuộc UBND tỉnh. Đến nay bộ máy tổ chức của Khu di tích đã đi vào hoạt động tương đối ổn định. Thời gian qua Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tập trung  thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là việc ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn bán hàng dong, chèn ép khách; tiến hành giải tỏa các hàng quán tạm, cho nhân dân xây dựng lại các quầy hàng theo mẫu thiết kế, thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn tổ chức các hoạt động dịch vụ bán hàng ăn và hàng lưu niệm phục vụ du khách về thăm viếng Đền Hùng, để lấy lại niềm tin của nhân dân cả nước về với đất Tổ.

Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, cùng với trách nhiệm và quyết tâm của CBCCVC trong cơ quan, nhất định Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ được bảo vệ, tôn tạo, xây dựng và phát triển ngày càng khang trang to đẹp, xứng đáng là khu di tích đặc biệt của quốc gia – nơi cội nguồn thờ Tổ, hội tụ sức mạnh đoàn kết và giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.




Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2007: Đền Hùng hướng tới tương lai


Điểm mới của Lễ hội Đền Hùng năm 2007 là gắn với các chương trình lễ hội về miền cội nguồn. Tất cả các lễ hội mang bản sắc độc đáo riêng của Phú Thọ sẽ không xuất hiện nhỏ lẻ như trước đây mà được gắn kết, xâu chuỗi lại có hệ thống và có chủ đề riêng để khách có thể thưởng thức và tận hưởng đầy đủ.

Điểm nhấn của chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam 2007″ sẽ được mở đầu bằng lễ hội “Những tháng lễ hội về miền đất Tổ Hùng Vương, bắt đầu bằng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (ngày 6-7 tháng Giêng năm Đinh Hợi), kết thúc bằng Lễ hội Đền Hùng (ngày 10/3 năm Đinh Hợi).

Trong “Những tháng lễ hội về miền đất Tổ Hùng Vương”, ở các huyện, thành, thị sẽ diễn ra các lễ hội truyền thống tiêu biểu như Hội phết Hiền Quan  (Tam Nông), Hội Trò Trám (xã Tứ Xã, Lâm Thao), Lễ hội rước voi Đào Xá (Thanh Thủy), Lễ hội đình làng Thổ Khối, đình Cả xã Phương Xá (Cẩm Khê), Hội làng Hùng Lô (Phù Ninh), Lễ hội dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, Đoan Hùng)…

Như vậy, lễ hội năm 2007 sẽ không chỉ là những điểm đến quen thuộc mà được mở rộng tới xã với những lễ hội hấp dẫn và mới lạ.

Trước ngày diễn ra khai mạc, nhiều hoạt động như Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật dân gian truyền thống vùng đất Tổ; Hội báo xuân đất Tổ, các loại hình dân ca truyền thống: hát xoan, hát ghẹo, ca trù, chèo cổ… sẽ được tổ chức; trên địa bàn các xã, phường có các trò chơi dân gian: Rước kiệu, múa lân, sư tử, thi giã bánh dày…

 22 đến 26-4 (tức mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 Đinh Hợi): Lễ hội Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương 

Ngày mùng 10 tháng 3 Đinh Hợi (ngày 26-4-2007) sẽ tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Quá trình hành lễ bắt đầu từ trung tâm lễ hội, diễn ra ở đền Thượng và Lăng Hùng Vương, sau đó dâng hoa tại bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong.

Các hoạt động hội diễn ra từ ngày mùng 6 tháng 3 năm Đinh Hợi tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, gắn với chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cùng với việc tổ chức cho  xã Hy Cương và các xã xung quanh rước kiệu vào Đền Hùng; sẽ có các đoàn nghệ thuật: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; liên đoàn xiếc Việt Nam; đoàn ca múa nhạc Lài Cai; đoàn nghệ thuật Yên Bái; đoàn nghệ thuật chèo và đoàn kịch nói Phú Thọ… biểu diễn. Đồng thời với việc tổ chức hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng các huyện, thành, thị; triển lãm sản phẩm hàng nghề truyền thống Việt Nam; trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương… sẽ có các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, múa sư tử, hát xoan ghẹo, hát quan họ, múa rối nước, múa lân, rước chúa gái, trò diễn “tứ dân chi nghiệp” và “bách nghệ khôi hài”. Các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức gồm: Giải vật, giải bóng chuyền nam, giải bắn nỏ, giải cờ tướng…

Tại thành phố Việt Trì sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa như: Triển lãm ảnh nghệ thuật; trưng bày hiện vật bảo tàng; giới thiệu sách; trình diễn thời trang áo dài và trang phục dân tộc Việt Nam, các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương biểu diễn. Tối mùng 9 tháng 3 Đinh Hợi sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp. Tại nhà luyện tập và thi đấu thể thao sẽ diễn ra giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc – Cúp Hùng Vương 2007; tại ngã ba sông Bạch Hạc tổ chức hội thi bơi chải…

Giỗ Tổ Hùng Vương là sự kiện khép lại chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007, là cơ hội để Phú Thọ quảng bá du lịch – dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Lễ hội phết Hiền Quan

Ngày 01-03 (13-01 Đinh Hợi), UBND huyện Tam Nông đã tổ chức trọng thể lễ hội Phết Hiền Quan. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Hải – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Hải – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tam Nông… Lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của nữ tướng Thiều Hoa công chúa – Đức Thánh Mẫu Đại Vương, Người đã giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.

Ngày 02 tháng Giêng hàng năm, làng Hiền Quan lại tổ chức động thổ, khai linh, dựng bia đâm lao tại đình. Đến ngày 12, 13 tháng Giêng, làng lại tổ chức hội duyệt quân, cướp Phết – một trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc mà thiếu thời bà Thiều Hoa công chúa rất thích chơi, sau này được dùng làm môn thể thao rèn luyện sức khỏe cho binh sỹ và để tưởng nhớ ngày xuất quân đánh giặc của bà. Nằm trong chương trình các hoạt động về miền lễ hội cội nguồn dân tộc, lễ hội Phết Hiền Quan năm nay được tổ chức trọng thể, sôi động với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc: trình diễn giã bánh dầy (xã Thanh Uyên); kéo lửa nấu cơm thi, ném cầu giỏ (xã Vực Trường); kéo kén bán ngài (xã Hương Nha); giao lưu văn nghệ, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng giữa các xã trong khu vực.

Làng đã tổ chức rước nhang và Sắc phong từ đình về đền, dâng hương tại lăng Đức Thánh Mẫu Thiều Hoa công chúa, tổ chức lễ tế và trò chơi dân gian sôi động kéo quân đánh Phết. Lễ hội Phết Hiền Quan là hoạt động văn hoá thể hiện hào khí của dân tộc trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, đồng thời là một môn thể thao có tính văn hoá – xã hội rộng rãi, góp phần tích cực nâng cao trí, lực cho người dân.

Về Tứ Xã xem “Linh tinh tình phộc” 

Trong 3 ngày (26 – 28/2, tức 11 – 13 tháng giêng), tại khu vực Miếu Trò, người dân Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã tổ chức Lễ hội Trò Trám năm 2007.

Mở đầu là lễ tế và tuyên đọc sự tích đình Xa Lộc (đình thờ Lân Hổ Hầu Đô thống Đại Vương – tướng thời nhà Trần); tiếp đó là Lễ rước lúa thần cầu cho dân ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau lễ rước lúa thần là diễn Trò trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” – một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong dân gian (Sĩ – nông – công – thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ, phản ánh con người với cuộc sống lao động sôi nổi, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi.

Hấp dẫn hơn cả là Lễ Mật – hoạt động tâm linh của người Việt Cổ cầu cho nòi giống sinh sôi, cầu đinh…, được tiến hành vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng giêng âm lịch tại Miếu Trò. Sau lễ tế (thường bắt đầu vào lúc 23 giờ kém ngày 11 tháng giêng) kéo dài 1h20 phút do 13 cụ bô lão trong làng thực hiện, đúng giờ Tý (0h) cụ Từ miếu Trò thắp hương và rước Nõ Nường – hai vật biểu thị cho hai giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ mít, sơn son đỏ) thờ trên ban Thượng miếu Trò xuống và trao cho một đôi nam nữ đã được chọn từ trước.

 Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm Nõ; Nữ mặc yếm, váy ngắn thâm, đầu vấn khăn, cầm Nường. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ từ xin âm dương rồi hô khẩu lệnh: Linh tinh tình phộc! (hô ba lần). Lúc này, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt hết. Sau mỗi câu khẩu lệnh: Linh tinh tình phộc, đôi nam nữ chọc mạnh hai vật âm dương vào nhau. Người xưa quan niệm, chọc đúng thì năm đó sẽ có nhiều may mắn, làm ăn, sản xuất, chăn nuôi,… sẽ thu được nhiều lợi lộc.

Mỗi lần hai vật âm dương chạm nhau, chiêng trống lại nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò vui vẻ – không khí tĩnh mịch giữa đêm khuya được sống dậy tưng bừng.

Ngày trước, sau 3 câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, cụ từ sẽ hô to: Tháo khoán; mọi người lại hò reo, nam nữ đuổi bắt nhau, ôm nhau, vác nhau vào các bụi cây quanh miếu tự do mọi chuyện; những đứa trẻ được sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” được làng trọng thưởng, khuyến khích.

 Ngày nay, không còn tục “Tháo khoán”, chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực cơ quan sinh sản và hoạt động sinh sản vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết nghìn đời của cư dân nông nghiệp.

 Khai hội đền Mẫu Âu Cơ 

Ngày 23-2 ( tức 7- tháng giêng- Đinh Hợi), tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà đã tổ chức trọng thể lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Về dự có các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sản, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; thường trực HĐND- UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Lào Cai lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành, thị, lãnh đạo và đông đảo du khách thập phương.

Theo tục lệ ngày lễ chính Đền Mẫu Âu Cơ là ngày “tiên giáng” mồng 7 tháng giêng. Vào lúc  8h sáng 23-2, Ban tổ chức đã tổ chức đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng (Hùng Trấn Quý Minh) về đền thờ Mẫu Âu Cơ. Kiệu Hoàng Thành được rước giữa dòng người với rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội và âm vang tiếng trống, tiếng chiêng ngày hội.

 Lãnh đạo huyện Hạ Hòa đã thành kính làm lễ dâng hương và lễ vật gồm: 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản và hoa quả lên Quốc Mẫu Âu Cơ.

Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Phạm Xuân Khai, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa – Chủ lễ đã đọc văn tế Vương Mẫu tri ân công lao to lớn của mẹ Âu Cơ người có công sinh thành 100 người con, cội nguồn của dân tộc Việt Nam; cầu cho mùa màng tươi tốt, cho quốc thái dân an… ghi ơn Quóc Mẫu các thế hệ con cháu nguyện mãi ngàn đời hương khói, thờ phụng tổ tiên.

Tiếp đó, phần tế nữ do 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn được tuyển chọn kỹ lưỡng thực hiện với đầy đủ các nghi lễ truyền thống.

Trong buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành, thị đã lần lượt vào dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò vui chơi giải trí dân gian được tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc

 Chương trình về miền lễ hội – cội nguồn dân tộc

Đêm mồng 6 tháng Giêng- Đinh Hợi, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức khai mạc Chương trình về miền lễ hội - cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007- Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức lễ hội ở các địa phương trong tỉnh theo lịch trình kéo dài trên 2 tháng (từ 6 tháng Giêng đến 10 tháng 3 âm lịch) với không gian trải rộng ở 9 huyện và thành phố Việt Trì.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Doãn Hợp – Ủy viên TƯ Đảng – Bộ trưởng Bộ VH-TT; Ngô Đức Vượng – Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Doãn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong đêm khai hội, nhiều hoạt động phong phú được bố trí trong chương trình tổng hợp diễn xướng gồm: Rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống, cồng chiêng, chạm ống, trình diễn các lễ hội tiêu biểu, các trò diễn dân gian đặc sắc: Bách nghệ khôi hài, Tứ dân chi nghiệp, Bắt trạch trong chum, hát dân ca xoan, ghẹo và dân ca các dân tộc thiểu số Mường, Dao, Cao Lan; múa rồng lân, múa sư tử, bơi trải, ném còn, thả diều, biểu diễn các ca cảnh ca ngợi công đức Vua Hùng dựng nước dựa trên các làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng Đất Tổ…Các hoạt động trên sẽ tạo không gian văn hóa huyền ảo đưa mọi người trở về các vùng quê có những lễ hội độc đáo gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Việt cổ với các trò diễn dân gian của những hội làng có từ thời Hùng Vương.

Sau đêm khai hội, hàng loạt các lễ hội sẽ được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống từ lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hoà đến các lễ hội Trò Trám, lễ hội cướp bông ném chài, cướp cầu đánh phết, hội phết Hiền Quan… ở Lâm Thao, Việt Trì, Tam Nông… Chương trình hội tụ tại lễ hội Đền Hùng từ 6 tháng 3 đến 10 tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động và trò diễn độc đáo. Trên địa bàn các huyện sẽ chọn một điểm tổ chức lễ hội truyền thống làm chủ đạo và đưa các hoạt động văn hóa, các trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc đặc sắc của các địa phương khác vào tạo thành chương trình ngày hội văn hóa các dân tộc phục vụ đồng bào về Giỗ Tổ và khách du lịch.




Giỗ tổ Hùng Vương - ngày quốc lễ trong tâm thức người Việt
Xem điểm chuẩn
->Xem điểm chuẩn lớp 10 => Bấm -> Chọn quà tặng ý nghĩa => Bấm

loading...

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment


 
Xem diem chuan|Soidiemchontruong ©Email: tailieuchogiaovien@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|Soidiemchontruong|Tài liệu|SKKN|Tử vi|Science
Top